Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và Cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải là những cực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam bộ và sẽ có tác động trực tiếp, tạo ra những vùng động lực phát triển mới cho Đồng Nai.
Sân bay Long Thành sẽ là một trong những cực tăng trưởng mới của Đồng Nai cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Phạm Tùng |
Chính vì vậy, những cực tăng trưởng này cần phải được tính toán, đánh giá chính xác để định hình hướng phát triển trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
* 3 từ khóa gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội
Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Đồng Nai lần đầu tiên thực hiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch.
Tháng 6-2022, UBND tỉnh đã chính thức ký kết hợp đồng tư vấn lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với Công ty Roland Berger (Đức) và các đơn vị liên danh.
Đầu tháng 10 vừa qua, liên danh đơn vị tư vấn đã có báo cáo đầu kỳ về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo liên danh đơn vị tư vấn, Đồng Nai hội đủ các điều kiện thuận lợi về vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội.
“Đồng Nai có tiềm năng là cửa ngõ kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam và hướng ra quốc tế. Đồng thời, tỉnh cũng là mắt xích quan trọng trong liên kết nội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua kết nối đa phương tiện. Kinh tế Đồng Nai có mức tăng trưởng tốt, đạt 7,2% trong giai đoạn từ năm 2010-2021, vươn lên tốp 3 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tốp 4 cả nước” – ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, đại diện liên danh tư vấn cho biết.
Dựa trên những thế mạnh, tiềm năng và cơ hội mà Đồng Nai “sở hữu”, liên danh đơn vị tư vấn đã đưa ra quan điểm mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển đối với tỉnh.
Sân bay Long Thành sẽ là một trong những cực tăng trưởng mới của Đồng Nai cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: ACV |
Theo đó, liên danh đơn vị tư vấn đã đề xuất 4 giá trị để định vị các lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư gồm: trung tâm kinh tế lấy cảng hàng không làm trọng tâm; trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo hiện đại và trung tâm giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo.
“Chúng tôi đưa ra 3 từ khóa gắn với quan điểm chủ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đồng Nai gồm: kết nối – năng động – bền vững” – ông Bùi Đào Thái Trường cho hay.
* Đồng Nai sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới sau năm 2025
Góp ý vào báo cáo đầu kỳ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của liên danh đơn vị tư vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, thời gian tới, sân bay Long Thành và Cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải sẽ là những cực tăng trưởng mới của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chính vì vậy, theo quan điểm của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, vị trí nằm gần đô thị lớn TP.HCM của Đồng Nai là một lợi thế phát triển, nhưng việc xác định các cực tăng trưởng cần được xem xét, tính toán kỹ.
“Thời gian tới, đường vành đai 4 – TP.HCM sẽ được đầu tư xây dựng. Đây là tuyến đường đi từ tỉnh Long An qua TP.HCM, tỉnh Bình Dương đến sân bay Long Thành và kéo dài về Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Do đó, sẽ thúc đẩy cho việc xuất – nhập hàng hóa, động lực tăng trưởng cũng vì vậy sẽ được hút về sân bay Long Thành và Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh sân bay Long Thành, Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, năm 2024, Đồng Nai sẽ có thêm cảng biển Phước An. Sự xuất hiện của những yếu tố mới này sẽ góp phần tạo lập và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong việc xuất – nhập khẩu hàng hóa, ngân sách tỉnh cũng sẽ có thêm những nguồn thu lớn.
Cùng với đó, Đồng Nai đang đẩy mạnh khai thác thế mạnh của sông Đồng Nai trong việc phát triển hệ thống đô thị ven sông. Với lợi thế khu vực ven sông Đồng Nai kéo dài từ H.Vĩnh Cửu đến H.Nhơn Trạch, đây hứa hẹn là “thỏi nam châm” thu hút nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.
Với các dự án hạ tầng giao thông cùng với định hướng phát triển đô thị, dịch vụ trong thời gian tới, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, sau năm 2025, khi sân bay Long Thành hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, Đồng Nai sẽ bước vào một chu kỳ phát triển mới. “Sau năm 2025 là một chu kỳ phát triển khác của tỉnh. Từ năm 2012-2025, Đồng Nai chỉ có khả năng phát triển các khu công nghiệp với việc tỉnh đã được Chính phủ chấp thuận bổ sung 6,5 ngàn ha đất phát triển khu công nghiệp; thế nhưng, sau năm 2025 sẽ là một câu chuyện khác. Do đó, đơn vị tư vấn phải tính toán kỹ để lan tỏa các động lực phát triển mới” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nêu quan điểm.
Theo Giám đốc Sở GT-VT LÊ QUANG BÌNH, trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, liên danh đơn vị tư vấn cần tính toán, đưa ra phương án quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ. Đối với hệ thống đường bộ, tỉnh đã có quy hoạch và chủ trương đầu tư các tuyến đường mới. Tuy nhiên, các loại hình giao thông khác còn rời rạc, chưa gắn kết. Do đó, phải quy hoạch được nhà ga để gắn kết các loại hình giao thông cũng như hệ thống đường sắt đô thị, giao thông đối ngoại với các địa phương xung quanh. |